image banner
Lễ hội đầu xuân Đền Thượng Đức: Nét đẹp văn hóa truyền thống ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Hằng năm, cứ vào ngày 14 - 15 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương và những người con xa quê hương lại nô nức trở về Đền Thượng Đức - Di tích lịch sử cấp Thành phố để tham dự lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời.

Lịch sử đền Thượng Đức

Vào những năm đầu của Thế kỷ XX, làng Đức Hậu được thành lập và phân khu hành chính thành ba giáp là giáp chính, giáp trung và giáp thượng. Đến năm 1923, để tỏ lòng kính trọng và lưu truyền cho con cháu noi gương học tập truyền thống chống giặc  ngoại xâm, các cụ giáp thượng đã lập đền thờ “Hưng đạo Đại vương - Trần Quốc Tuấn”. Với diện tích của khu quần thể đền - chùa là 7.200 m2 được đặt tên là đền Thượng Đức, chùa Đức Hậu. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc,  đến năm 1952 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Thượng Đức đã bị tháo dỡ, các đồ thờ đã được nhân đân địa phương đem về chùa Đức Hậu để thờ cúng. Đến năm 2003, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Cán bộ và nhân dân làng văn hóa Đức Hậu 2 xã Hợp Đức (nay là 3 Tổ dân phố Quang Trung, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ phường Minh Đức) đã góp công, góp sức xây dựng lại đền Thượng Đức trên nền móng của ngôi đình cũ. Từ đó đến nay, nơi đây là khu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.

Giáp Thượng Đức xưa kia và 03 TDP Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Quang Trung ngày nay có truyền thống đoàn kết, hăng say trong lao động, và là nơi có truyền thống cách mạng lâu đời. Nhân dân, duy trì và phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ chín, khóa 11 của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các hoạt động tín ngưỡng tại đền Thượng Đức sẽ trở thành các hoạt động truyền thống của nhân dân, qua đó sẽ trở thành trách nhiệm và niềm từ hào của toàn thể nhân dân trong việc giáo dục thế hệ con cháu xây dựng, tôn tạo và quản lý di tích thành phố đền Thượng Đức.

Phần hội sôi động, đa dạng

Từ sáng ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025, nhân dân và bà con tại 03 Tổ dân phố Nguyễn Huệ, Quang Trung, Ngô Quyền đã tụ hợp về ngôi đền để cùng tổ chức và tham gia các hoạt động Hội làng.

Phần hội làng diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao sôi động. Các trò chơi dân gian như Cờ tướng, Tổ tôm điếm, Bịp mắt bắt vịt, đập niêu đất… thu hút đông đảo người tham gia.

Tổ tôm điếm là một hoạt động trò chơi dân gian được ưa chuộng nhất tại Hội làng. Tổ tôm điếm được tổ chức thi công khai, khoa học, chặt chẽ trên một sân đấu có diện tích rộng từ 30-50m2. Chủ điếm và các thành viên chơi tọa lạc độc lập trong 5 ngôi điếm hoặc đơn giản là 5 chiếc bàn cao ráo có đủ ghế ngồi chỉnh tề. Sân chơi tổ tôm điếm trình diễn ở lễ hội rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng, giọng ngâm lảy Kiều của người giao bài mượt mà, ngọt ngào, sâu lắng khiến không ít bà con nhân dân yêu thích.

Trong nhiều loại hình thể thao giải trí, có thể nói bộ môn tổ tôm điếm hiện nay đã được nhiều người cao tuổi tìm đến học hỏi và tham gia, bởi lối chơi thanh lịch, trí tuệ, tao nhã mang tính nghệ thuật. Tổ tôm điếm có cách chơi mang tính chất biểu diễn, chứ không đơn thuần là sự tranh đấu về thưởng phạt. Ban tổ chức lựa chọn 05 người chơi là các cụ cao niên, đại lão có danh vọng trong làng để thi đấu. Luật chơi căn cứ theo luật chơi tổ tôm điếm Bắc Ninh.

Tại Đêm liên hoan văn nghệ quần chúng có những tiết mục đặc sắc như hát chèo, hát mừng Đảng, mừng xuân được biểu diễn, mang đến cho nhân dân những trải nghiệm văn hóa độc đáo. 

Phần lễ trang nghiêm, thành kính

Lễ hội Đền Thượng Đức bắt đầu với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính của người dân đối với các vị thần linh và anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn và các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phần lễ bao gồm các nghi thức truyền thống như dâng hương, dâng lễ vật, đọc văn tế, và cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Không khí linh thiêng bao trùm khắp không gian đền, khiến ai nấy đều cảm nhận được sự thanh tịnh và an lành.

Ý nghĩa sâu sắc của lễ hội

Lễ hội Đền Thượng Đức không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là dịp để người dân nhìn lại lịch sử, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống dân tộc, từ đó gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu.

Kết thúc lễ hội trong niềm vui và hạnh phúc

Lễ hội Đền Thượng Đức kết thúc trong niềm vui và hạnh phúc của người dân và du khách. Ai nấy đều cảm thấy được tiếp thêm năng lượng và niềm tin vào một năm mới an lành, thịnh vượng. Lễ hội không chỉ là dịp để vui chơi, giải trí mà còn là cơ hội để mọi người gắn kết, chia sẻ và cùng nhau hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Lễ hội Đền Thượng Đức ngày 15 tháng Giêng âm lịch mãi là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân phường Minh Đức, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

BTV Phường Minh Đức
QR Code
image advertisement
TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0